Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Ao Bà Om.

Ao bây giờ, Ảnh của VA


                              (Ao ngày trước, ảnh st)
Ao Bà Om
Đến Trà Vinh, ngoài những ngôi chùa Kh'mer cổ kính dưới bóng những hàng sao, dầu cổ thụ, du khách không thể không đến Ao Bà Om, một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều huyền thoại của thời cha ông khai phá, gầy dựng đất phương Nam.
Ao Bà Om cách thị xã Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam, trên địa bàn khóm 4, phường 8, thị xã Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành). Ao rộng 100.000m2, trong đó mặt ao gần 43.000m2. Ao còn được gọi là ao Vuông vì nó có hình vuông. Xung quanh ao là những gò cát chông chênh với gần 500 gốc sao, dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ, đẹp mắt. Ao Bà Om đã là niềm tự hào của người dân Trà Vinh.
Ao Bà Om có những câu chuyện kể mang nhiều chi tiết siêu nhiên nhưng cũng rất gần gũi với người dân ĐBSCL, đặc biệt là với người Khmer ở vùng đất này.
Một trong những truyện dân gian kể rằng: ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ vàng úa. Đời sống bà con vùng đất này lầm than khôn cùng. Một ông hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt. Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao trong 1 đêm. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải đi cưới. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Sự tích này cũng đã được ghi lại trong “Nam Kì cố sự” của Nguyễn Hữu Hiếu sưu tầm, biên soạn, NXB Đồng Tháp, 1999.
Nhân vật Bà Om được tôn vinh là một người phụ nữ mưu trí, tài năng và bản lĩnh. Câu chuyện cũng thể hiện rất rõ phong tục Mẫu hệ của người Kh’mer.
Tuy nhiên, thật đáng buồn, năm nay hạn hạn nghiêm trọng nên Ao Bà Om cạn khô không có nước!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét