Chùa Phù Dung hiện nay tọa lạc tại chân núi Bình San, phường Bình
San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Địa điểm hành hương và du lịch này hấp
dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên mà còn bởi những câu
chuyện bí ẩn về lai lịch ngôi chùa.
Theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, người Xiêm gọi núi là
"Pù"; những người Xiêm, Khmer, Chăm, Lào đều gọi người Việt
là "Youn". Như vậy, Pù
Youn, mà sau này đọc biến âm thành
Phù Dung, có nghĩa là "vùng núi của người Việt". Ở bán đảo Hà Tiên,
có rất nhiều đồi núi lớn nhỏ, mang tên chung là Phù Dung Vạn Sơn, mãi đến thời Đô đốc Mạc Thiên Tích, các ngọn núi mới có tên riêng bằng từ Hán - Việt, như: Bình San, Tô
Châu, Thạch Động... Và cái tên Phù
Dung (Pù Youn) mà khi xưa dùng để chỉ tất cả các núi non vừa nói trên, sau được
dùng để chỉ dãy núi nằm sát Trấn lỵ. Vì cả trước và sau ở Hà Tiên có hai chùa đều
mang tên Phù Dung, và ngôi thờ nào tính đến nay cũng đều là cổ tự nên để dễ
phân biệt, chùa có trước là "Phù Dung (cũ)" và chùa có sau là Phù
Dung (mới). Chùa Phù Dung cũ ở tại hướng Tây Nam núi Phù Dung, còn chùa Phù Dung mới tại phía bắc núi Bình
San, cách chùa xưa trên 500m.
Trải qua bao biến đổi, giờ đây
trên nền đất cao ráo nơi chân núi Bình san, là một tự viện khá khang trang gồm
một phần sân và hai phần thờ cách biệt.Từ
ngoài nhìn vào, phía bên trái tự
viện có một lối đi nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20m, sẽ gặp một ngôi mộ cổ. Đó là Lăng bà Phù Dung-Từ Thành Thục Nhơn-Nguyễn Thị Xuân
(1720-1761)- Viên tịch rằm tháng 2 Âl- Hiệu Phù Cừ.
Chùa
Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ
cổ trên. Có rất nhiều
chuyện kể về sự tích này tuy nhiên cốt chuyện
cơ bản không khác biệt. Theo lời
kể của Thi sĩ Đông Hồ:
Cảnh am tự này, ngôi mộ cổ này, ao sen này có một sự tích khá
lâm ly…
Truyền rằng: Mạc Lịnh Công (Mạc Thiên Tứ) có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ sắc đẹp lắm và hay chữ
lắm.
Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà
ra thiên ái. Hóa cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập
mưu hãm hại bà thứ cơ.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn
phu nhân đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngột mà chết. Nhưng thừa
ưa, vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời
đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn
truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thi thóp sắp đứt hơi, nhưng may
mắn thay, hãy còn cứu kịp.
Nàng thứ cơ thoát
chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo
le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự
cho thứ cơ tu hành.
Bên am tự, cho đào ao,
trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Công cho
xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương người giai nhân đã
vì Công mà oan khổ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét